Duy biểu học – Hiểu sự vận hành của tâm
DUY BIỂU HỌC
HIỂU SỰ VẬN HÀNH CỦA TÂM
Thiền sư Thường Chiếu (thế kỷ thứ 12) đã nói “Khi ta hiểu rõ cách vận hành của Tâm thì sự tu tập trở nên dễ dàng”. Năm Mươi Bài Tụng Duy Biểu là cuốn sách về tâm lý và siêu hình học của Phật giáo, giúp cho chúng ta hiểu được sự hoạt động của Tâm (Citta), bằng cách hiểu được bản chất của các Thức (Vijñāna). Năm Mươi Bài Tụng Duy Biểu có thể được coi như một thứ bản đồ trên con đường tu tập.
Trong thiền quán, Bụt Thích Ca soi chiếu, hiểu rõ tâm Ngài một cách sâu xa. Từ hơn hai ngàn năm trăm năm nay, các đệ tử của Ngài học hỏi để biết cách chăm sóc tâm và thân họ, hầu có thể chuyển hóa những khổ đau để đạt tới an lạc.
Năm Mươi Bài Tụng Duy Biểu hình thành từ những dòng suối tuệ giác của đạo Bụt Ấn Độ, gồm các luận giảng A-tỳ-đạt-ma (Abhidharma – Thắng Nghĩa Pháp) trong tạng kinh Pali (1), tới giáo pháp Đại Thừa như Kinh Hoa Nghiêm (Avatamsaka Sutra). A-tỳ-đạt-ma là các luận giảng của đạo Bụt bộ phái, được hệ thống hóa từ giáo lý nguyên thủy.
Sự phát triển của triết lý Phật giáo thường được chia ra ba thời kỳ: Nguyên thủy, Bộ phái và Đại thừa (2). Năm mươi bài tụng Duy Biểu chứa đựng giáo pháp của cả ba thời kỳ đó.
Trong thời Bụt còn tại thế, Phật pháp là giáo pháp sinh động, nhưng sau khi Ngài nhập diệt, các đệ tử của Ngài có bổn phận hệ thống hóa những lời giảng của Ngài để có thể học hỏi cho thấu đáo hơn. A-tỳ-đạt-ma là một trong các tập hợp đầu tiên những bài giảng về tâm lý và triết lý, được nhiều đệ tử xuất sắc của Bụt khai triển trong nhiều thế kỷ tiếp theo.
Nguồn gốc 50 bài tụng Duy Biểu
Khi còn là chú tiểu, tôi được học thuộc lòng Nhị Thập Tụng và Tam Thập Tụng của Ngài Thế Thân, bằng tiếng Hán, do thầy Huyền Trang dịch. Khi sang Tây phương, tôi nhận ra rằng giáo pháp quan trọng về tâm lý của đạo Bụt có thể mở được cánh cửa hiểu biết cho người Âu Mỹ. Vậy nên năm 1990, tôi làm ra 50 bài tụng Duy Biểu để làm cho viên ngọc quý được sáng thêm. Đó là gia tài của Bụt, của Ngài Thế Thân, An Huệ, Huyền Trang, Pháp Tạng và nhiều vị khác nữa. Sau khi học 50 bài tụng, bạn sẽ hiểu được những bài cổ văn của các vị thầy lớn, và bạn sẽ hiểu được nền tảng của 50 bài tụng. Cuốn sách Duy Biểu Học cống hiến các bạn những phương pháp Nhìn sâu cách vận hành của tâm để có thể tự chuyển hoá được tâm thức của mình để sống an lạc, hạnh phúc hơn; và tiến tới trên con đường học đạo.
Năm mươi bài tụng để học Duy Biểu có vẻ mới, nhưng chỉ mới trên hình thức thôi. Về phương diện nội dung, chúng được làm bằng những yếu tố của Duy Biểu Học, bắt nguồn từ giáo lý Bụt dạy. Trong Kinh Pháp Cú, Bụt có nói Tâm là căn bản, Tâm là chủ các pháp. Trong Kinh Hoa Nghiêm Bụt dạy Tâm là họa sư có thể vẽ ra tất cả các hình ảnh. Cũng trong Kinh Hoa Nghiêm có một bài kệ mà các sư cô sư chú ở Việt Nam đọc mỗi ngày trong nghi thức cúng cô hồn: “Nhược nhân dục liễu tri tam thế nhất thiết Phật, ưng quán pháp giới tính, nhất thiết duy tâm tạo.” (Ai muốn hiểu được chư Bụt trong ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai, phải quán chiếu bản tính của pháp giới và thấy rằng tất cả đều do tâm mình tạo ra). Hai chữ tâm tạo này phải được hiểu là tâm biểu hiện. Đó là căn bản của giáo lý Duy Thức mà ngày nay chúng ta gọi là Duy Biểu.
Tác phẩm “Duy biểu học – Nhìn sâu cách vận hành của tâm” này tuy được trình bày một cách mới mẻ nhưng trong nội dung thì dùng toàn những chất liệu cũ. Những chất liệu ấy được tìm thấy trong các tài liệu sau đây:
1/ Duy Thức Tam Thập Tụng của Thầy Thế Thân (Vasubandhu; 320 – 400)
2/ Tam Thập Tụng Chú Giải của Thầy An Huệ(Sthiramati 470-550)
3/ Thành Duy Thức Luận của Thầy Huyền Trang (Xuan Zhang; 600- 664)
4/ Nhiếp Đại Thừa Luận của Thầy Vô Trước (Asanga 321 – 390)
5/ Bát Thức Quy Củ Tụng của Thầy Huyền Trang
6/ Hoa Nghiêm Huyền Nghĩa của Thầy Pháp Tạng (494- 579).
Duy Thức Tam Thập Tụng của Thầy Thế Thân, được căn cứ trên bản tiếng Hán, tiếng Phạn và trên những lời bình giải của một nhà Duy Thức học nổi tiếng là thầy An Huệ.
Tam Thập Tụng Chú Giải của Thầy An Huệ bằng tiếng Phạn, được giáo sư Sylvain Lévi tìm ra ở Népal năm 1922 và đã được dịch ra tiếng Pháp và tiếng Quan Thoại (xuất bản năm 1925 – Đó là cuốn Materiaux pour l’etude du systeme Vijnaptimātra).
Thành Duy Thức Luận của Thầy Huyền Trang là bản dịch và chú giải Duy Thức Tam Thập Tụng của thầy Thế Thân. Tuy nhiên, lối dịch và chú giải của Thầy Huyền Trang rất đặc biệt. Thầy đã sử dụng tất cả tài liệu mà thầy học được từ đại học Nalanda (một đại học nổi tiếng của Phật giáo, phía Bắc Ấn Độ, nay là thị trấn Rajgir, tiểu bang Bihar), từ thế kỷ thứ 7 Tây lịch. Nơi đây Thầy Huyền Trang đã học với Thầy Giới Hiền và Thầy Hộ Pháp, là hai trong 10 vị luận sư nổi tiếng của Ấn Độ thời đó. Thầy Huyền Trang thu thập và đem về Trung Hoa những kiến thức của 10 vị luận sư này và thầy cho hết vào bản chú giải Thành Duy Thức Luận. Chúng tôi sử dụng bản Thành Duy Thức Luận bằng chữ Hán và bản tiếng Anh do một học giả người Hương Cảng dịch.
Nhiếp Đại Thừa Luận (Mahayana- samgrahashastra) của Thầy Vô Trước là một tác phẩm rất nổi tiếng. Nhiếp Đại Thừa Luận chứa đựng tất cả kinh nghĩa Đại thừa. Tư tưởng trong đó rất căn bản.
Khi học tác phẩm Duy Thức Tam Thập Tụng của Ngài Thế Thân, ta cứ nghĩ Ngài là tổ của Duy thức. Nhưng ta không biết rằng Ngài Vô Trước đã cô đọng tư tưởng Duy thức rất công phu trong Nhiếp Đại Thừa Luận.
Bát Thức Quy Củ Tụng của thầy Huyền Trang có thể xem là tác phẩm Duy thức mới, vì khi qua Ấn Độ, thầy Huyền Trang cũng được tiếp xúc với giáo lý của thầy Trần Na (Dignāna 400- 480), là người rất giỏi về luận lý học (logic) và nhận thức luận (epistemology). Vì vậy Bát Thức Quy Củ Tụng có màu sắc luận lý và nhận thức luận.
Hoa Nghiêm Huyền Nghĩa do Thầy Pháp Tạng sáng tác. Thầy chuyên về hệ thống Hoa Nghiêm. Thấy giáo lý Duy thức quan trọng và thầy muốn tuyệt đối đại thừa hóa Duy thức, đem giáo lý Hoa Nghiêm bổ túc cho Duy thức. Vậy nên trong Hoa Nghiêm Huyền Nghĩa, thầy Pháp Tạng đã đề nghị đưa tư tưởng “một là tất cả, tất cả là một” vào trong Duy thức. Nhưng tiếng gọi của Thầy Pháp Tạng không đem lại nhiều kết quả vì cả ngàn năm sau người ta vẫn tiếp tục học Duy thức của các thầy Thế Thân, Huyền Trang và Khuy Cơ như cũ.
Ước mong của tác giả
Sáng tác 50 Bài Tụng Duy Biểu, tác giả mong sẽ nối tiếp sự nghiệp của Thầy Pháp Tạng: đưa giáo lý Hoa Nghiêm vào Duy Biểu để cho Duy Biểu trở thành viên giáo.
Tác giả cố gắng trình bày tác phẩm này như một giáo lý Đại thừa.
Nếu trong khi đọc sách, bạn không hiểu một câu hay chữ nào đó, thì đừng cố gắng quá. Hãy để cho giáo pháp thấm dần vào bạn như khi bạn nghe nhạc, như mặt đất thấm những giọt nước mưa. Nếu chỉ dùng lý trí để học những bài tụng này, thì cũng giống như phủ lên mặt đất một tấm vải nhựa vậy. Nhưng khi bạn cho phép mưa pháp thấm sâu vào tâm thức, thì 50 bài tụng này sẽ cống hiến bạn tất cả giáo nghĩa của Thắng Pháp A-tỳ-đạt-ma.
Giáo pháp Duy Biểu là một môn học hết sức phức tạp và vi tế, chúng ta cần cả cuộc đời để tìm hiểu cho thấu đáo. Xin đừng nản lòng vì sự phức tạp đó. Hãy cứ học một cách từ tốn. Đừng đọc nhiều trang mỗi lần, mà chỉ đọc từng câu, cùng lời bình giải đầy đủ trước khi sang câu khác. Với chánh niệm và từ bi, bạn sẽ hiểu những bài học này một cách tự nhiên và dễ dàng.
Trong khi sáng tác Năm Mươi Bài Tụng Duy Biểu, tác giả nhắm đến tính cách thực dụng của giáo lý Duy Biểu. Tác giả mong rằng hành giả có thể sử dụng năm mươi bài tụng này vào sự tu tập hàng ngày. Trong quá khứ có nhiều người học Duy thức nhưng kiến thức về Duy thức của họ có tính cách lý thuyết và khó đem ra thực hành.
Tác giả đã từng gặp nhiều vị học Duy thức rất kỹ, nói về Duy thức rất lưu loát, nhưng khi được hỏi cái kiến thức đó có liên hệ gì tới đời sống hàng ngày hay không thì những vị đó chỉ mỉm cười không đáp. Trong khi đó, 50 Bài Tụng Duy Biểu trong sách này rất thực tế, có thể đem ra áp dụng trong mọi sinh hoạt của đời sống, hướng dẫn sự tu học, xây dựng tăng thân, chuyển hóa nội tâm và trị liệu khổ đau cũng như chữa trị những chứng bệnh tâm thần. Và như thế, có thể dùng làm căn bản trong các khóa tu dành cho các nhà tâm lý trị liệu Tây phương. Tác giả rất mong cuốn Duy Biểu Học – Nhìn sâu cách vận hành của tâm sẽ đóng được một vai trò trong lịch sử hành trì và chuyển hóa.
Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
______________________________
Ghi chú
- Kinh tạng: Các kinh điển và giới luật gồm thâu những lời Bụt Thích Ca giảng dạy và do các đệ tử học thuộc lòng rồi truyền lại cho nhau bằng cách tụng đọc hàng ngày. Kinh tạng cũng gọi là Tam Tạng Kinh điển (Tipitaka) gồm có :
Kinh (Sutta Pitaka): Kể lại các buổi thuyết giảng của Bụt.
Luật (Vinaya Pitaka): các giới luật Bụt chế tác cho các vị khất sĩ
Luận (Abhidhamma Pitaka): các bài giảng hệ thống hoá triết lý và tâm lý học Phật giáo
Kinh tạng Pali: được ghi trên lá kè (lá bối, thuộc loài Palm – Cọ) tại xứ Tích Lan (đảo Sri Lanka) khoảng 100 năm trước Tây lịch (hơn 300 năm sau khi Bụt nhập diệt).
Kinh tạng Hán văn: Cùng thời với tạng Pali (Nam truyền), tam tạng kinh điển cũng được ghi lại ở miền Bắc Ấn bằng tiếng Sanskrit, mà rất nhiều cuốn đã được dịch sang tiếng Hán (Hán tạng) và tiếng Tây Tạng – còn tồn tại tới ngày nay.
Các nước Phật giáo Á Đông đều có Tam tạng kinh điển bằng chữ Hán với phần trước tác của các thiền sư địa phương. Riêng nước Việt Nam, sau khi bị nhà Minh (Trung quốc) đô hộ, họ đã tiêu hủy hoặc tịch thu hầu hết các tác phẩm của thiền sư Việt Nam, kể cả Đại tạng kinh mà thời Lý – Trần đã để lại.
- Ba thời kỳ của đạo Bụt:
Đạo Bụt Nguyên Thủy (Source, Original or Primitive Buddhism): do chính Bụt Thích Ca giảng dạy khi Ngài còn tại thế (từ giữa thế kỷ thứ 6 tới giữa thế kỷ thứ 5 trước Tây lịch).
Đạo Bụt Bộ Phái (Schools of Buddhist Sects) bắt đầu từ khoảng năm 340 trước Tây Lịch. Có chừng 20 bộ phái. Therevada nhận là phái nguyên thủy, thật ra đó là tiếp nối của phái Đồng Diệp Bộ (Tamrasatiya) thuộc Phân Biệt Thuyết Bộ (Vibhajyavāda)
Đạo Bụt Đại Thừa (Mahayana Buddhism): được hình thành rất sớm (thế kỷ thứ hai trước Tây lịch), có gốc rễ từ đạo Bụt nguyên thủy và thừa hưởng rất nhiều từ đạo Bụt bộ phái. Đạo Bụt Đại Thừa phát sinh do nhu cầu muốn đem giáo pháp thâm diệu của Bụt truyền bá cho đại chúng dưới một hình thức mới để họ có thể hiểu và hành trì được. Đạo Bụt Đại Thừa được phát triển từ khoảng 100 năm trước Tây lịch, nêu lên mẫu người lý tưởng là các vị Bồ tát, tu hành để giúp tất cả chúng sinh được giải thoát. Lý tưởng Bồ tát khác với lý tưởng A-La-Hán trong Tiểu Thừa, cho việc giải thoát cá nhân mới là quan trọng.