Khi trở nên giàu
Khi trở nên giàu. Kinh Phật chỉ nói lên sự thật để cho mọi người cùng suy xét mà sống sao cho được hạnh phúc an lạc, lợi mình, lợi người.
Nó không chỉ trích hay phê phán ai mà chỉ đề cập những sự kiện hay những hiện tượng tâm lý khá thường tình diễn ra trong cuộc sống đời thường mà ai cũng có thể kinh nghiệm được. Kinh Phật do đó là những bài học rất căn bản bổ ích, đọc nó rồi chiêm nghiệm để mà sống thì lợi lạc vô cùng.
Kinh Phật đề cập đến nhiều lĩnh vực trong đời sống với cái nhìn tỉnh giác để làm sao khi sống trong bất cứ hoàn cảnh nào, con người cũng tìm thấy sự an lạc, hạnh phúc. Ở đây, chúng tôi xin trích lời Phật dạy liên quan đến sự giàu có, nỗ lực làm giàu là đáng quý nhưng khuyên người ta phải biết làm giàu chân chính, đúng pháp và cần phải vượt lên trên cảm giác giàu có ấy để sống sao cho tốt, lợi mình, lợi người, và nhất là đừng lợi dụng điều kiện giàu có để đối xử không tốt hay làm hại người khác.
Đức Phật không tán thành việc làm giàu phi pháp hoặc lạm dụng uy quyền. Ngài tán dương người nào tầm cầu tài sản đúng pháp, không dùng sức mạnh. Sau khi tầm cầu tài sản đúng pháp, không dùng sức mạnh, vị ấy tự mình an lạc, hân hoan, chia sẻ, làm các công đức, thụ hưởng các tài sản ấy, không tham đắm, không mê loạn, thấy được sự nguy hại, có xuất ly với trí tuệ.
Chuyện đời kể cũng lạ. Giàu có thì lẽ ra con người phải sống tốt hơn, hạnh phúc hơn mới phải, thế nhưng sự thật đôi khi lại không như vậy. Cảm giác say đắm danh lợi thường che mờ bản tính trong sáng hiền thiện vốn có của con người. Thật khó hình dung giàu có mà con người không trở nên cao quý, lại có thái độ không tốt đối với người khác. Thế nhưng kinh nghiệm ở đời đôi khi bảo chúng ta tiền tài lớn dễ sinh tâm tham luyến, địa vị cao hay thay lòng đổi dạ. Âu cũng là do lòng người thiếu tu.
Đức Phật cũng lưu ý với chúng ta giàu có dễ nuôi lớn lòng tham, mà khi tâm bị tham xâm chiếm và ngự trị thì con người không còn tự chủ, không như thật rõ biết lợi mình, lợi người, lợi cả hai, trở thành mù lòa, có mắt mà như mù, không còn sáng suốt, trí tuệ bị đoạn diệt, rơi vào các hành vi ác, bất thiện, đưa đến bất hạnh, khổ đau, không đưa đến hạnh phúc, an lạc. Xem thế thì càng giàu có, càng có địa vị chức quyền, con người càng phải tự cân nhắc mình nhiều hơn.
Bài kinh ngắn sau đây chép mẩu chuyện đàm đạo giữa vua Pasenadi và Đức Phật một lần nữa gợi cho chúng ta một kinh nghiệm đời thường “ít nói nên lời” đi kèm với một lời cảnh báo nhắc nhở rất đáng cho mọi người suy gẫm:
Vua Pasenadi: – Ở đây, bạch Thế Tôn, trong khi con đang ngồi yên tịnh một mình, tư tưởng này khởi lên nơi con: “Ít thay là những người trong đời này, sau khi được tài sản phong phú, dồi dào lại có thể không bị lôi cuốn, không bị chìm đắm, không bị say mê trong các dục và không có những hành vi không tốt đẹp đối với các người khác. Trái lại, thật là nhiều thay, những người trong đời này, sau khi được tài sản phong phú, dồi dào, có thể bị lôi cuốn, bị chìm đắm, bị say mê trong các dục và có những hành vi không tốt đẹp đối với các người khác”.
Đức Phật: – Thật sự là vậy, thưa Đại vương. Thật sự là vậy, thưa Đại vương. Ít thay là những người trong đời này, sau khi được tài sản phong phú, dồi dào, lại có thể không bị lôi cuốn, không bị chìm đắm, không bị say mê trong các dục và không có những hành vi không tốt đẹp đối với người khác. Trái lại, thật là nhiều thay những người trong đời này, sau khi được tài sản phong phú, dồi dào, có thể bị lôi cuốn, bị chìm đắm, bị say mê trong các dục và có những hành vi không tốt đẹp đối với các người khác.
Loài người bị đắm say,
Trong tài sản, trong dục,
Họ tham lam, điên dại,
Trong các dục ở đời,
Không ý thức rõ ràng,
Đã quá độ say mê,
Chẳng khác gì con nai,
Không thấy đặt bẫy sập,
Về sau họ khổ đau,
Chịu quả báo ác nghiệp.