Ngôi chùa trong tâm
Ngôi chùa trong tâm. Cách đây vài ngày có một cô Phật tử nhắn tin cho tôi. Sau khi hỏi thăm tình hình sức khỏe, cô ấy nói rằng: “Giãn cách xã hội lâu quá, con không đi chùa được, con nhớ chùa quá thầy ơi!”. Câu nói ấy của cô khiến tôi có nhiều suy nghĩ.
Thật ra, ai cũng có tình cảm với nơi mà mình đã gắn bó và nếu phải chia xa trong một khoảng thời gian dài, thì sẽ nhớ nó biết bao. “Đi chùa” – với một người Phật tử thuần thành không chỉ là một việc tạo ra phước đức mà nó dần dà đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống tu tập hằng ngày.
Việc đi chùa thường xuyên, làm cho Phật tử dần dần xem ngôi chùa như là ngôi nhà thứ hai của mình và những người bạn đồng tu trở thành những người thân từ hồi nào không biết. Chính vì thế, khi không thể đi chùa thì sẽ thấy nhớ là một chuyện rất đương nhiên.
Chùa – không chỉ là nơi để chư Tăng Ni tu tập, mà nó còn là nơi ươm mầm và nuôi dưỡng những hạt giống tâm linh trong tâm thức của người con Phật. Hòa thượng Thích Mãn Giác (Huyền Không) đã từng viết rằng :
“Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông”
Để làm được công việc “che chở” linh hồn của dân tộc, gói gọn được nếp sống muôn đời của cha ông, ắt hẳn mái chùa không chỉ là nơi thực hành nghi thức tâm linh, mà ngôi chùa đã trở thành một nơi để duy trì bản sắc văn hóa Việt Nam.
Dưới mái chùa, người Phật tử được dạy phải “bỏ ác làm lành”, hiếu thảo với mẹ cha, biết san sẻ giúp đỡ với những người nghèo khó… Đó chính là nền tảng đạo đức cơ bản nhất khi muốn làm một con người lương thiện.
Dưới mái chùa, tiếng chuông đại hồng ngân vọng sớm tối hai thời đã bao lần làm cho mọi người tỉnh thức, khơi gợi lại được tánh giác trong con người của họ. Nghe tiếng chuông chùa, người Phật tử như trút bỏ được ưu phiền, tìm thấy được sự bình yên trong tâm hồn sau biết bao nhiêu bộn bề của cuộc sống thế gian.
Dưới mái chùa, bà con Phật tử quây quần với nhau trong những ngày lễ vía, cùng nhau nấu xôi, gói bánh, chỉ bày cho nhau nấu những món ăn chay bằng tất cả tâm thành để dâng cúng lên Tam bảo. Đấy cũng là dịp mọi người thăm hỏi và động viên lẫn nhau để cùng tiến tu trên con đường học Phật.
Rồi những cái bánh, chén chè khi được vị trụ trì cho thì đều trở nên đáng quý, bởi đó là “lộc của Phật” và khi ăn ai ai cũng cảm thấy hoan hỷ vì tin rằng có sự che chở của chư Phật. Nhưng hơn hết đấy là tấm lòng kết nối thấm tình đạo vị giữa hàng ngũ tại gia và xuất gia. Và khi gia đình người Phật tử gặp hoạn nạn khó khăn, có việc hiếu hỷ thì cũng chính cửa chùa là nơi mở rộng vòng tay, giúp đỡ Phật tử trong những hoàn cảnh ấy.
Người Phật tử tại gia với muôn vàn nhân duyên trong cuộc sống, nên để có được thời gian đi chùa, tụng kinh thì đấy đã là một sự cố gắng vô cùng. Thông qua lời kinh tiếng kệ, những buổi học tập giáo lý, Phật tử tại gia như trút được phần nào những phiền não và nạp thêm năng lượng an lành để có thể có thể đối mặt với cuộc sống đầy xô bồ ngoài kia. Chính vì vậy, nên việc đi chùa hằng ngày như là một nhu cầu không thể thiếu của người Phật tử.
Khi biết đi chùa, người Phật tử được học bài học đầu tiên chính là Quy y Tam bảo, tức là trở về nương tựa ba ngôi tâm linh : Phật, Pháp và Tăng.
Bất cứ ai cũng cần phải có một điểm tựa về mặt tinh thần để có thể vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Đối với người Phật tử thì điểm tựa tinh thần không gì khác hơn là Tam bảo. Người sơ cơ học đạo, thì cần phải thường xuyên đến chùa, lễ Phật, tụng kinh, thân cận với những vị xuất gia chân chánh để học tập giáo lý.
Nhưng những tượng Phật mà chúng ta lễ bái, những kinh điển mà chúng ta tụng đọc, hay sự nương tựa những vị xuất gia chân chính để học tập chỉ là Tam bảo bên ngoài, hay gọi là thế gian trụ trì Tam bảo mà thôi. Cái cốt lõi vẫn là việc người Phật tử phải làm thế nào để có thể xây dựng được Tam bảo từ chính trong tâm thức của mình.
Để làm được điều đó, không gì khác hơn là người con Phật phải gia công tu tập hằng ngày. Thông qua quá trình hành trì, người Phật tử tạo ra chất liệu giải thoát từ việc giữ giới (Giới); nuôi dưỡng chánh niệm từ việc ngồi thiền, niệm Phật, trì chú (Định) và phát triển trí tuệ từ việc học tập, suy nghĩ về giáo lý (Tuệ). Giới – Định – Tuệ chính là những viên gạch để xây dựng nên ngôi chùa tâm linh trong chính con người của mình. Những “viên gạch” Giới – Định – Tuệ càng chắc chắn thì ngôi chùa tâm linh của ta càng vững chãi để có thể đương đầu với mọi phong ba bão táp của phiền não, tham sân si mà không bị ngã đổ.
Quá trình xây dựng ngôi chùa tâm linh trong chính mỗi người chúng ta là một công việc không hề đơn giản, vì đó là một hành trình trở về với tự tâm, là một hành trình chiến thắng những tập nghiệp cố hữu lâu đời trong mỗi con ngươi của hành giả. Hành trình ấy đòi hỏi sự nỗ lực cố gắng rất nhiều từ mỗi người Phật tử. Ngôi chùa của chúng ta có vững chắc hay không đòi hỏi rất nhiều ở “nền móng” là niềm tin bất diệt đối với Tam bảo, là những “viên gạch” Giới – Định – Tuệ mà chúng ta tích cóp hằng ngày để kiến tạo nên một ngôi Tam bảo trong tự tâm.
Mỗi một hành động có sự chiếu soi của chánh niệm tỉnh thức, là ta đang đảnh lễ được đức Phật trong tâm. Mỗi một việc làm có sự kết hợp của từ bi, bình đẳng là ta đang sống được với Pháp bảo. Không thối chuyển tâm Bồ-đề, giữ tâm luôn hòa hợp thanh tịnh là ta đang tiếp xúc được với Tăng bảo của tự thân.
Ba viên ngọc quý Phật – Pháp – Tăng luôn hiện hữu tiềm tàng trong tâm thức của mọi hành giả; chỉ cần chúng ta có sự kiên trì trong công phu, tu tập thì nhất định ba viên ngọc ấy sẽ được hiển lộ, làm sáng thêm tâm bồ đề, giác ngộ của chính mình. Và khi đã có được Giới – Định – Tuệ, kiến tạo được Phật – Pháp – Tăng trong tâm, thì dù có gặp phải chướng duyên nào đấy không thể đi chùa thường xuyên được, thì người Phật tử vẫn cảm thấy an lạc vì chúng ta đã có được một ngôi chùa vững chắc trong lòng của mình rồi.
Nguyện cầu cho dịch bệnh mong chóng được kiểm soát để có thể thấy lại được hình ảnh những chiếc áo tràng lam của Phật tử hòa mình cùng màu huỳnh y giải thoát của chư Tăng Ni trong mỗi thời kinh, cùng nhau tu tập và xây dựng nên một ngôi chùa trong tự tâm của mỗi người con Phật.
“Mỗi tối dân quê đón gió lành,
Khắp chùa dào dạt ánh trăng thanh…
Tiếng chuông thức tỉnh lan xa mãi,
An ủi dân hiền, mọi mái tranh”
(Nhớ chùa – Thích Mãn Giác)
Đức Kiên