Thực tập hạnh từ bi & lắng nghe

Lắng nghe với tâm từ bi là một phép thực tập rất sâu sắc. Ta lắng nghe mà không phán xét, không trách móc. Ta lắng nghe chỉ vì ta muốn người kia vơi bớt khổ đau. Thực tập hạnh từ bi và lắng nghe sâu sắc chắc chắn có thể giúp người khác chuyển hoá sân hận và khổ đau của họ.

Giả sử trong một gia đình mà hai cha con đang giận nhau. Giữa cha và con không còn có sự truyền thông. Cả hai cha con đều khổ và cùng mong thoát ra khỏi tình trạng bế tắc do giận hờn gây nên nhưng không biết phải làm thế nào.

Một pháp môn tốt là một pháp môn có thể đem áp dụng vào đời sống hằng ngày và giúp chuyển hoá khổ đau. Khi buồn giận ta đau khổ như bị thiêu đốt trong địa ngục. Những lúc đó ta phải tìm tới những người bạn có tu tập để xin giúp đỡ, để học hỏi cách thức đối trị buồn giận, ganh tị, tuyệt vọng trong ta, hầu mong có thể chuyển đổi tình trạng.

Một người mà lời nói đầy sân hận, căm hờn là vì người ấy đang vô cùng đau khổ. Vì đau khổ mà người ấy nói ra những lời chua chát, cay đắng, trách móc khiến ta khó chịu và tìm cách xa lánh. Muốn thấu hiểu và chuyển hoá cơn giận thì phải học phép thực tập hạnh lắng nghe với tâm từ bi và sử dụng ái ngữ. Có một vị Bồ Tát có khả năng lắng nghe với tâm từ bi rộng lớn, đó là Bồ Tát Quán Thế Âm. Chúng ta phải thực tập tâm hạnh từ bi hỷ xả như Ngài thì mới có thể hướng dẫn một cách cụ thể khi một người đầy sân hận tìm đến xin được giúp đỡ để tái lập truyền thông.

Nam Mô Bồ Tát Quán Thế Âm

Lắng nghe với tâm từ bi có thể làm cho người khác bớt khổ. Tuy nhiên, mặc dù có nhiều thiện chí, ta cũng khó lắng nghe một cách sâu sắc nếu không thực tập lắng nghe với tâm từ bi. Nếu có thể ngồi yên và lắng nghe người ấy với tâm từ bi chỉ trong một giờ thì ta có thể làm vơi bớt khổ đau của người ấy rất nhiều. Ta lắng nghe với một mục đích duy nhất là để cho người kia có cơ hội giãi bày tâm tư và nguôi bớt khổ đau.

Phải lắng nghe thật chăm chú. Phải lắng nghe với tai, với mắt, với cả thể xác lẫn tâm hồn. Nếu ta chỉ giả vờ lắng nghe, nếu ta không lắng nghe hết mình, thì người kia sẽ nhận ra ngay và khó mà vơi bớt khổ đau. Phải luôn luôn giữ tâm từ bi trong khi lắng nghe. Muốn vậy trong khi lắng nghe ta phải theo dõi hơi thở chánh niệm và duy trì ý hướng muốn giúp người kia.

Lắng nghe với tâm từ bi là một phép thực tập rất sâu sắc. Ta lắng nghe mà không phán xét, không trách móc. Ta lắng nghe chỉ vì ta muốn người kia vơi bớt khổ đau. Người kia có thể là cha, là mẹ, là con trai, con gái, là vợ hay chồng của ta. Thực tập lắng nghe sâu sắc chắc chắn có thể giúp người khác chuyển hoá sân hận và khổ đau của họ.

Trích từ sách “Giận”
Thiền sư Thích Nhất Hạnh

(Visited 133 times, 1 visits today)

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM